Monday, June 13, 2011

TRÍ TUỆ CẢM SÚC


Bạn chắc đã không dưới một lần loay hoay thực hiện các bài trắc nghiệm để xem IQ của mình được bao nhiêu? Để rồi hể hả vì nhận ra mình nằm trong số 1% ít ỏi những người có IQ "cao ngất ngưởng" hay lo lắng tự hỏi rằng đời mình rồi sẽ về đâu khi mà IQ chẳng lấy gì làm khả quan!
Quả thực, đã từ lâu IQ vô hình trung trở thành một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực và khả năng thành đạt của một con người. Thế nhưng sự thật lại không hẳn như vậy!
Tác giả Daniel Goleman với cuốn sách "Trí tuệ xúc cảm" (Emotional Intelligence) đã đưa ra những chứng cứ, lập luận để đánh giá đúng đắn về vai trò thực sự của IQ, về tầm quan trọng ngang bằng giữa phần lý trí và phần xúc cảm của não bộ.
"Trí tuệ xúc cảm" cho rằng tầm nhìn của chúng ta về trí thông minh từ trước tới nay vẫn còn quá hạn hẹp. Chúng ta đã bỏ qua những kiến thức có tính quyết định về những khả năng có ảnh hưởng quan trọng tới cách chúng ta hành động trong đời sống hàng ngày.
Trên cơ sở nghiên cứu về trí tuệ đột phá căn bản và hành vi, Goleman đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng khiến cho những người có chỉ số IQ cao đôi khi trở nên lúng túng trong công việc trong khi những người IQ thấp lại thực hiện tốt đến kinh ngạc.
Những yếu tố này bao gồm cả sự tự ý thức, tự rèn luyện kỷ luật và sự thấu cảm. Từ đó bổ sung một cách thức khác để trở nên thông minh hơn - ông gọi đó là “Trí tuệ xúc cảm”.
Trong khi thời thơ ấu là một giai đoạn quan trọng cốt yếu của sự phát triển thì trí tuệ xúc cảm lại không được xác định chắc chắn ngay khi sinh ra. Nó có thể được nuôi dưỡng, tăng cường và phát triển trong suốt thời kỳ trưởng thành, với những lợi ích tức thì cho sức khỏe, các mối quan hệ và công việc của chúng ta.
"Trí tuệ xúc cảm" được sắp xếp thành 5 phần chính: "Bộ não xúc cảm", "Bản chất của trí tuệ xúc cảm", "Trí tuệ xúc cảm ứng dụng", "Những khả năng" "Những kiến thức cơ bản về trí tuệ xúc cảm".
Người đọc có cơ hội tìm hiểu kỹ càng hơn về một khái niệm chưa quá quen thuộc - "Trí tuệ xúc cảm". Quan trọng hơn, bạn sẽ nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò thực sự của trí tuệ xúc cảm trong cuộc sống hàng ngày và biết rằng làm chủ được nó cũng quan trọng như vận dụng hợp lý trí thông minh, óc phán đoán vậy.
Sẽ không hoàn toàn chính xác khi coi "Trí tuệ xúc cảm" như một công cụ đơn thuần "nuôi dưỡng tâm hồn" (như những cuốn sách kiểu "Chicken soup for the soul") nhưng nó khiến bạn hiểu rõ hơn về mình, hiểu rõ hơn về phần "mềm mại hơn" - những tình cảm, thái độ của bản thân!
Hiểu rõ nó, để biết rằng: chăm sóc một tâm hồn đẹp, xây dựng một tính cách tốt góp phần không nhỏ vào việc quyết định sự thành đạt trong cuộc sống của bạn!

No comments:

Post a Comment