09/06/2011 09:53:51
(SVVN)Hai mươi năm qua, hệ thống giáo dục thế giới đã có nhiều chuyển biến. Để có thể đón nhận nguồn tri thức khổng lồ, đòi hỏi con người phải có cách tiếp cận mới. GS Jean Michel Djian, phụ trách chương trình Hợp tác nghệ thuật quốc tế (thuộc trường ĐH Paris 8), nguyên Tổng Biên tập tạp chí Thế Giới Giáo Dục, đã có những chia sẻ thú vị với Sinh Viên Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Nhìn giáo dục theo một cách khác
Vì sao trong thời đại ngày nay con người phải "học cách học", thưa ông?
Truyền thống học tập dựa trên nguyên tắc tích lũy kiến thức từ nhà trường và sách vở vẫn tồn tại cho tới cuối thế kỷ 20. Nhưng sau gần một thế kỷ, tính ưu việt của phương pháp học tập ấy đang gặp phải những trở ngại bởi sự phát triển của khoa học - công nghệ.
Những tri thức cốt yếu mà trước đây học sinh, sinh viên chỉ có thể tiếp nhận ở trường thì nay lại được truyền tải bởi các mạng lưới nghe nhìn kỹ thuật số mà ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận như Google, Wikipedia, mạng xã hội, phát thanh, truyền hình, sách báo, điện ảnh… Điều đó dẫn tới sự quá tải trong quá trình tiếp thu tri thức và trở thành lực cản đối với quá trình truyền đạt và lĩnh hội của giáo viên hướng dẫn và người học.
Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, mỗi người cần phải "học cách học" để biết cách sử dụng tư duy trong quá trình học, biết chọn lọc nội dung mà không phải dùng kiểu ghi nhớ có hiệu quả không cao trong quá khứ. Suy cho cùng, có tư duy thông minh thôi chưa đủ, điều chính yếu là phải biết cách sử dụng.
Báo cáo "Tầm nhìn giáo dục" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế châu Âu (OECD) cho thấy, đến cuối thế kỷ 20 lượng tri thức do nhà trường truyền đạt chỉ khoảng 20%. Lý do nào khiến nhà trường không còn giữ vai trò chủ đạo của mình là truyền đạt kiến thức?
Không thể phủ nhận, trường học vẫn có vai trò quan trọng và cần thiết trong việc truyền đạt tri thức. Trường học, bản thân nó lẽ ra phải là nơi truyền đạt tất cả những kiến thức thì hiện lại đang gặp phải nhiều vấn đề.
Từ thế kỷ 20 chúng ta thấy là 80% tri thức được truyền đạt từ nhà trường, phần còn lại là nhờ cha mẹ, họ hàng, bạn bè, xã hội… Đến thế kỷ 21 thì tỉ lệ này đã đảo ngược lại. Ngày nay, chúng ta còn có thể tiếp nhận tri thức qua hệ thống truyền hình, phát thanh, Internet… Những công cụ đó đủ độ tinh vi để tạo ra được một hệ thống tri thức khổng lồ cho người học.
Bên cạnh đó, trong khoảng 30 năm trở lại đây, như ở Pháp và một số nước châu Âu có sự bất tương ứng giữa thực tế trường học với thực tế cuộc sống. Trong khoảng thời gian đó, một vài cuộc cải cách đã được thực hiện nhưng lại không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Tỉ lệ học sinh lơ đãng trong giờ học ngày một tăng cho thấy có một lượng lớn học sinh đến trường nhưng không phải để học. Họ vẫn đến trường nhưng rồi thường trốn về sớm, nói chuyện, làm việc riêng trong lớp, không nghe giảng, chơi trò chơi…
Một điều tra của OECD thực hiện năm 2009 cho thấy, số lượng học sinh, sinh viên ở Pháp và một số nước châu Âu chán học đang tăng nhanh.
Vấn đề đặt ra hiện nay cho các hệ thống giáo dục phát triển sau này là gì, thưa ông?
Cái khó khăn hiện nay mà tất cả chúng ta gặp phải là sự chênh lệch lớn giữa thực tế kiến thức học được với thực tế cuộc sống công việc sau này. Tất cả hệ thống giáo dục hiện nay được tạo ra dựa trên hiệu năng công việc. Ở một số quốc gia, hệ thống trường học phục vụ cho Nhà nước.
Và lý do mà một người đến trường học không phải để tiếp thu kiến thức mà chỉ đơn giản là để có bằng cấp. Bằng cấp chỉ khiến người ta ganh tỵ, ganh đua và điều đó có nghĩa là người ta có thể mua được kiến thức, dù thực tế thì không phải vậy. Hệ thống dựa trên hiệu năng (hiệu suất) khiến người ta cố gắng làm thế nào để có nhiều bằng cấp nhất có thể, để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình.
Nhưng cái năng lực cạnh tranh này liệu có tương thích với cả một hệ thống tiếp cận với kiến thức một cách dân chủ hay không thì không chắc.
Một vấn đề nữa đặt ra hiện nay không chỉ ở châu Âu, châu Mỹ, hay châu Á là tình trạng kiến thức bị biến thành một mặt hàng thương mại. Rất nhiều người nghĩ rằng, kiến thức đang bị đem bán và nếu có tiền, người ta hoàn toàn có thể mua được. Thực ra, việc muốn có bằng cấp bằng mọi giá nằm trong cả quá trình cạnh tranh và điều này phương hại quá trình tiếp nhận tri thức.
Vậy theo ông, đâu là lời giải cho bài toán quản trị giáo dục hiện nay?
Một ai đó từng nói: Thế giới đang tạo ra cho giáo viên cảm giác lo lắng, bất an và khiến những người giáo viên này từ chối thực hiện trách nhiệm của họ (trong ngành giáo dục). Nếu ngày nay, trường học tiếp tục phân khúc ngành học của học sinh tại trường thành những mảng khác nhau thì cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ tiếp tục cung cấp cho học sinh những kiến thức quá chuyên ngành, ngắt quãng.
Nếu không xếp tri thức trong mối quan hệ phức tạp của nó thì sẽ khó có thể ứng dụng hiệu quả trong sự nghiệp sau này. Cần cố gắng thay đổi cách thức truyền đạt và hợp tác với học sinh theo chiều ngang thay vì chiều dọc như hiện nay. Ví dụ như khi giảng dạy Lịch sử, chúng ta có thể kết hợp cung cấp kiến thức Văn học, Địa lý. Điều đó có nghĩa là phải cố gắng để thay thế cách giảng dạy truyền thống, giúp mang tới cho học sinh cái nhìn tổng thể.
Đó là cách học có thể giúp phát triển tư duy phản biện, phê phán. Và thay vì tìm kiếm điều tuyệt đối, tôi nghĩ, thanh niên ngày nay có thể thoải mái hơn trong sự lựa chọn của mình.
Một vấn đề nữa là những hệ thống giáo dục hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới đều là hệ thống giáo dục quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo dục bị giới hạn trong phạm vi của một quốc gia riêng rẽ. Nhiều quốc gia châu Âu hiện vẫn đưa ra muôn vàn lý do để bảo vệ hệ thống giáo dục đó trong phạm vi quốc gia của mình. Chưa bao giờ việc tiếp nhận tri thức lại mang tính quốc gia nhiều và rõ nét như bây giờ.
Học không vì... điểm
Thưa ông, liệu với tình trạng giáo dục ở Việt Nam hiện nay thì mô hình học sinh được tự do thảo luận, bày tỏ quan điểm thái độ với thầy cô, bạn bè có thể áp dụng được không?
Câu chuyện về "cô bé ngồi bên cửa sổ" - Totochan (tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Kuroyanagi Tetsuko - PV) điển hình cho một nền giáo dục hiệu quả.
Cuốn sách ra đời từ những năm 1980, ai từng đọc cũng cảm thấy nó tốt nhưng đến bây giờ, sau hơn 30 năm, chúng ta vẫn chưa đạt được điều đó. Tôi nghĩ, vẫn có thể có trường học mà ở đó, chúng ta có thể đưa từng phần cải cách, đổi mới vào thử nghiệm. Vấn đề quan trọng nhất theo tôi là chúng ta phải cố gắng làm thay đổi và đồng nhất về tư tưởng của bố mẹ và thầy cô giáo. Nếu như ai cũng có quan niệm phải cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 cho bằng bạn bằng bè thì khi bắt đầu tới trường, những đứa trẻ sẽ gần như chẳng phải học gì nữa và nếu như thế thì chúng ta có thể giải tán trường học.
Một vấn đề nữa là hiện nay đa phần phụ huynh quan tâm tới kết quả học tập cuối cùng hơn là quá trình rèn luyện. Tôi được biết là Bộ GD - ĐT Việt Nam cũng đang thực hiện một số môn không chấm điểm (mà chỉ nhận xét). Tuy nhiên, lại có nhiều phụ huynh cảm thấy không hài lòng vì như thế họ không biết con cái mình có hơn những đứa trẻ khác không? Nếu bố mẹ vẫn luôn nghĩ về sự ganh đua, thành tích thì rất khó để con cái học được điều đáng học và cần cho tương lai sau này.
Phần Lan là một điển hình thành công nhờ chính sách không chấm điểm học sinh cho tới khi các bé đủ 12 tuổi. Việc kèm cặp trẻ quá kỹ cũng là không nên. Trẻ cần nhiều thời gian và không gian để tự tìm tòi và học những điều nó muốn.Đây là vấn đề liên quan tới cả một hệ thống giáo dục và khó có thể giải quyết một sớm một chiều nếu không có sự can thiệp Nhà nước.
Ở trường ĐH Paris 8, sinh viên có được quyền thay đổi nội dung học (theo điều họ thực sự muốn) không hay vẫn phải theo học một giáo trình nhất định của nhà trường?
Thay đổi nội dung giảng dạy là công việc, cũng là trách nhiệm của cả một hệ thống giáo dục chứ không phải của riêng ai. Tuy nhiên, sinh viên có thể cấu trúc lại vấn đề và yêu cầu các giáo viên giảng giải kỹ hơn hoặc bỏ qua những phần kiến thức mà họ nghĩ thiếu thiết thực, không cần thiết hoặc phần đông sinh viên đã nắm được từ trước.
Thay đổi nội dung giảng dạy là công việc, cũng là trách nhiệm của cả một hệ thống giáo dục chứ không phải của riêng ai. Tuy nhiên, sinh viên có thể cấu trúc lại vấn đề và yêu cầu các giáo viên giảng giải kỹ hơn hoặc bỏ qua những phần kiến thức mà họ nghĩ thiếu thiết thực, không cần thiết hoặc phần đông sinh viên đã nắm được từ trước.
Có một thực tế là khi một người càng học nhiều thì chi phí mà gia đình và xã hội đầu tư cho người đó càng nhiều. Điều đó đồng nghĩa với "học nhiều, nợ xã hội càng nhiều". Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tri thức là vô bờ bến. Học tập cũng là quá trình suốt đời. Tuy nhiên, cần xác định cuộc sống và tương lai của chúng ta thực sự cần gì. Chúng ta không thể chìm đắm mãi trong bể kiến thức đó mà không biết chúng ta thực sự muốn gì. Việc học khi đó sẽ trở thành điều điên rồ. Câu hỏi mà bất cứ bạn trẻ nào cũng cần tự trả lời là chúng ta thực sự muốn làm gì? Từ câu trả lời, chúng ta sẽ tìm hiểu và trang bị những kiến thức cần thiết để thực hiện ước mơ đó. Mỗi người phải kiên định trước "cơn sóng" tri thức đang ào ạt ập đến.
Chúng ta cũng có thể tự học, tự tạo ra một nghề nghiệp cho mình mà không nhất thiết phải đến trường để học. Cái ý tưởng liên quan tới phương pháp giáo dục chỉ thực hiện được khi chúng ta biết điều chúng ta muốn làm và cần làm trong cuộc sống.
Tôi có quen một kỹ sư khí tượng thủy văn đã tốt nghiệp cách đây vài năm, hạng xuất sắc. Anh từng nói với tôi rằng, bản thân rất thán phục những người nông dân bởi trong giai đoạn mùa màng canh tác, bằng kinh nghiệm, họ còn có khả năng dự báo tốt hơn những chuyên gia khí tượng như anh. Điều đó có nghĩa là nếu cứ thần thánh hóa kiến thức ở trường thì vô hình trung, chúng ta đã bỏ qua một khối lượng tri thức rất lớn từ thực tiễn cuộc sống.
Ông có thể chia sẻ về cách học của bản thân ngày trước?
Hồi còn là sinh viên, tôi hầu như chỉ chú tâm học những môn mà tôi thực sự thích và cho là chúng hữu ích với bản thân. Ngoài ra, tôi cũng thường đi nói chuyện với những người già, người từng trải và giàu kinh nghiệm sống, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực mà tôi quan tâm.
Xin cảm ơn ông!
Họ vẫn đến trường nhưng rồi thường trốn về sớm, nói chuyện, làm việc riêng trong lớp, không nghe giảng, chơi trò chơi… Một điều tra của OECD thực hiện năm 2009 cho thấy, số lượng học sinh, sinh viên ở Pháp và một số nước châu Âu chán học đang tăng nhanh.
Nếu như ai cũng có quan niệm phải cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 cho bằng bạn bằng bè thì khi bắt đầu tới trường, những đứa trẻ sẽ gần như chẳng phải học gì nữa và nếu như thế thì chúng ta có thể giải tán trường học.
|
Hoàng Tùng (thực hiện)
No comments:
Post a Comment