Trong quá trình sống, con người tác động vào thế giới khách quan, cải tạo thế giới, cải tạo xã hội nhằm phục vụ cho đời sống, đồng thời cũng cải tạo chính bản thân mình. Không những thế, con người còn tỏ thái độ của mình với thế giới. Khi nghe một bản nhạc, một bài thơ hay, chứng kiến một hoàn cảnh thương tâm con người đều có những rung động của bản thân mình. Khi thoả mãn hay không được thoả mãn những nhu cầu của bản thân, con người cũng có những cảm xúc tương ứng. Những hiện tượng tâm lý biểu lộ những rung động, những thái độ của con người đối với sự vật hiện tượng đó gọi là cảm xúc và tình cảm. Cảm xúc và tình cảm của con người rất phong phú và đa dạng, thể hiện qua nhiều cung bậc, cấp độ khác nhau.
- Cảm xúc
- Khái niệm cảm xúc
Cảm xúc là những thái độ rung cảm của con người với sự vật hiện tượng có liên quan đến việc thoả mãn hay không thoả mãn những nhu cầu cá nhân. Hay nói một cách khác, cảm xúc là những rung động của con người đối với hiện thực, trong quá trình tác động tương hỗ với môi trường xung quanh và trong quá trình thoả mãn nhu cầu.
Xúc cảm khác với cảm xúc. Xúc cảm là từ dùng để chỉ phản ứng của con vật, là sự trải nghiệm thụ động khi được thoả mãn nhu cầu. Ví dụ: Con chó khi được cho ăn biểu lộ xúc cảm hớn hở. Cảm xúc là từ dùng để chỉ phản ứng của con người, gắn liền với hoạt động có định hướng và sự thích nghi. Cảm xúc của con người chính là xúc cảm được ý thức hoá .Chúng ta thường nói rằng, tôi cảm thấy buồn, vui, giận dữ… chứ chúng ta không dùng cụm từ “tôi xúc thấy…”
- Đặc điểm của cảm xúc
- Cảm xúc biểu hiện bề ngoài rất rõ ràng
Cảm xúc thể hiện qua cử chỉ, hành vi, điệu bộ và cả những phản ứng về mặt sinh lý. Những biểu hiện này có thể thấy thông qua quan sát trực tiếp. Chúng ta có thể nhận biết được người khác đang vui, buồn, giận dữ, sợ hãi, ngạc nhiên hay “mừng mừng tủi tủi”… Tuỳ theo loại cảm xúc mà dấu hiệu bộc lộ sẽ khác nhau.
- Cảm xúc rất đa dạng và phong phú
Từ những cảm xúc cơ bản nhưng dưới sự tác động của các kích thích khác nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau mà cảm xúc của con người cũng có lúc đan xen, pha lẫn nhiều cảm xúc khác loại nhưng cùng tồn tại trong một thời điểm. Và chính điều này đã tạo ra hàng loạt các cảm xúc khác.
- Phân loại cảm xúc
Cảm xúc, tình cảm là vấn đề được nhiều nhà tâm lý học quan tâm nghiên cứu. Vì thế, cũng có nhiều quan điểm khác nhau về số lượng các loại cảm xúc. Căn cứ vào tính chất của cảm xúc có thể chia cảm xúc thành 2 loại: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Căn cứ vào biểu hiện và nội dung, chúng ta có thể chia cảm xúc thành 6 loại cơ bản: vui, buồn, sợ hãi, giận dữ, ngạc nhiên và ghê tởm
* | * | * |
Vui
|
Buồn
|
Sợ hãi
|
* | * | * |
Giận dữ
|
Ngạc nhiên
|
Ghê tởm
|
Xúc động và tâm trạng cũng là một dạng của cảm xúc. Tâm trạng có cường độ rung động yếu, thời gian kéo dài và có khuynh hướng lan toả. Xúc động có cường độ mạnh, mãnh liệt, nhất thời, đột ngột, con người khó kiểm soát hành vi của bản thân.
- Vai trò của cảm xúc
- Cảm xúc giúp con người thích ứng với hoàn cảnh
Khi vui, buồn, giận dữ… đã tạo ra những biến đổi cả về tâm sinh lý làm phá vỡ trạng thái cân bằng vốn có, tạo cảm giác thoải mái hay khó chịu cho bản thân. Cảm xúc giúp cho con lấy lại trạng thái quân bình về mặt tâm lý. Khi buồn, chúng ta khóc nỗi buồn sẽ vơi đi, lòng thấy nhẹ nhõm hơn. Khi vui, chúng ta cười, nói nhiều và sau đó trạng thái cân bằng được tái lập… Cảm xúc đã giúp ta thích ứng với hoàn cảnh sống.
- Cảm xúc gắn liền với nhu cầu và việc thoả mãn nhu cầu của chủ thể
Trạng thái thiếu hụt sẽ dẫn đến những đòi hỏi cần phải thoả mãn để tồn tại và phát triển làm xuất hiện nhu cầu. Nhu cầu được thoả mãn sẽ nảy sinh cảm xúc tích cực (dương tính), ngược lại nhu cầu không được thoả mãn sẽ nảy sinh cảm xúc tiêu cực (âm tính).
- Cảm xúc có thể kích thích hay kìm hãm hành động
Không gì có thể mạnh bằng sức mạnh của tình yêu thương và lòng căm thù. Cảm xúc có thể củng cố, làm tăng thêm sức mạnh, tính kiên trì, khắc phục mọi khó khăn để đạt được mục đích của chủ thể nhưng cảm xúc cũng có thể kìm hãm, ức chế hành động của chủ thể. Khi vui, chúng ta làm việc hiệu quả hơn, khi giận dữ, căm thù chúng ta có thể làm những việc mà mình không kiểm soát được, khi yêu thương người khác chúng ta có thể làm mọi việc thậm chí sẵn sàng hy sinh cả bản thân mình… Vậy, kích thích hành động, hay ức chế, kìm hãm hoạt động là tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất và hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc.
- Cảm xúc có mối quan hệ mật thiết với tư duy
Cảm xúc, tư duy và hành vi là ba yếu tố có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi chúng ta tư duy tích cực thì sẽ có cảm xúc tích cực và hành vi của chúng ta cũng thể hiện tích cực và ngược lại. Cơ chế tự nhủ với bản thân (self-talk) theo hướng tích cực hay tiêu cực cũng sẽ tạo ra cảm xúc tương ứng. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, và thay đổi đó phải bắt đầu từ tư duy. Tư duy thay đổi thì cảm xúc cũng thay đổi và cảm xúc cũng tác động ngược lại tư duy.
- Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao tiếp
Cảm xúc biểu lộ qua hành vi khi giao tiếp với người khác. Cảm xúc tích cực sẽ phá tan bầu không khí căng thẳng ngược lại cảm xúc tiêu cực trong giao tiếp sẽ làm nảy sinh phản ứng phòng vệ giữa các cá nhân khi giao tiếp. Cảm xúc sẽ truyền đạt thái độ, tâm thế, tính hợp tác và quan điểm của cá nhân khi giao tiếp. Giao tiếp biết thể hiện cảm xúc phù hợp sẽ mang lại hiệu quả.
- Tình cảm
- Khái niệm tình cảm
Tình cảm là thái độ cảm xúc ổn định của con người đối với sự vật hiện tượng có liên quan đến nhu cầu và động cơ của họ.
Một số quan điểm cho rằng, cảm xúc và tình cảm chỉ là một, điều này chưa chính xác. Mặc dầu cảm xúc và tình cảm đều có những điểm giống nhau nhưng chúng không đồng nhất với nhau. Sự khác biệt giữa cảm xúc và tình cảm được thể hiện qua 3 đặc điểm: tính ổn định, tính xã hội và cơ sở sinh lý-thần kinh.
Về tính ổn định: Cảm xúc là quá trình tâm lý, có tính nhất thời, gắn với tình huống trong hiện thực khách quan, nảy sinh khi có sự tác động trực tiếp của kích thích từ môi trường. Tình cảm là thuộc tính tâm lý có tính xác định và ổn định, tồn tại ở trạng thái tiềm tàng, sâu lắng và được bộc lộ qua cảm xúc.
Về tính xã hội: Xúc cảm ở con vật và cảm xúc của con người thực hiện chức năng sinh vật giúp cơ thể định hướng và thích nghi với môi trường với tư cách là một cá thể. Tình cảm chỉ có ở người thực hiện chức năng xã hội, giúp con người định hướng và thích nghi với tư cách là một nhân cách.
Về cơ chế sinh lý-thần kinh: Xúc cảm của con vật và cảm xúc ở con người gắn liền với phản xạ vô điều kiện, với bản năng, chịu sự chi phối của hệ thống tín hiệu thứ I. Tình cảm gắn liền với phản xạ có điều kiện và chịu sự chi phối của hệ thống tín hiệu thứ II.
- Đặc điểm của tình cảm
- Tính nhận thức:
Tình cảm được hình thành trên cơ sở những cảm xúc của con người trong quá trình nhận thức về đối tượng. Trong tình cảm, chủ thể luôn nhận thức được nguyên nhân gây ra chúng, nhận thức được rằng tại sao mình có tình cảm với người này mà không có tình cảm với người khác. Ba yếu tố: nhận thức, rung động và thể hiện cảm xúc làm nảy sinh tình cảm.
- Tính đối tượng:
Tình cảm luôn dành cho, luôn hướng đến một đối tượng nhất định.
- Tính ổn định:
Tình cảm là thuộc tính tâm lý. Để hình thành tình cảm với một người, chúg ta cần một khoảng thời gian nhất định chứ không thể có tình cảm ngay khi gặp đối tượng. Bản chất của con đường hình thành tình cảm là quá trình cộng gộp các cảm xúc cùng loại với nhau. Vì thế, một khi đã có tình cảm với ai, chúng ta không dễ quên người ấy, muốn quên người ấy chúng ta cũng cần phải có thời gian chứ không thể nào muốn quên là quên ngay.
- Tính xã hội:
Tình cảm chỉ có ở con người, được hình thành trong quá trình giao tiếp và diễn ra trong môi trường xã hội chứ không phải là những phản ứng sinh lý đơn thuần.
- Các mức độ của đời sống tình cảm
Màu sắc xúc cảm của cảm giác là sắc thái cảm xúc đi kèm theo quá trình cảm giác. Màu sắc xúc cảm của cảm giác mang tính cụ thể, nhất thời, gắn liền với một cảm giác và không được chủ thể ý thức một cách rõ ràng. Ví dụ: Vào một căn phòng được sơn màu xanh nhạt tạo cho ta cảm giác mát, thoải mái, dễ chịu.
- Phân loại tình cảm
- Tình cảm cấp thấp
Tình cảm cấp thấp chủ yếu có liên quan đến việc thoả mãn những nhu cầu mang tính tự nhiên của con người (nhu cầu cơ thể).
- Tình cảm cấp cao
Tình cảm cấp cao có liên quan đến việc thoả mãn các nhu cầu xã hội, nhu cầu tinh thần.
- Tình cảm đạo đức:
Tình cảm đạo đức biểu thị thái độ của con người đối với các yêu cầu đạo đức, hành vi đạo đức trong quan hệ giữa người với người (tình mẫu tử, tình anh em, tình cha con…)
- Tình cảm trí tuệ
Tình cảm trí tuệ được nảy sinh trong quá trình hoạt động nhận thức, cụ thể là trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật.
- Tình cảm thẩm mỹ
Tình cảm thẩm mỹ được hình thành từ cái đẹp do quá trình tri giác tạo nên.
- Tình yêu đôi lứa
Tình yêu đôi lứa là một loại tình cảm đặc biệt. Theo Từ Điển Tâm lý học (2008) do GS.TS. Vũ Dũng chủ biên thì, tình yêu đôi lứa là “sự rung cảm sâu sắc của sự thống nhất về nhiều mặt: mặt tự nhiên và xã hội, cơ thể và tinh thần, thẩm mỹ và đạo đức, nhưng lại mang tính cá nhân mạnh mẽ”.Tình yêu đôi lứa có những đặc trưng cơ bản sau:
- Biểu hiện đầu tiên là sự nhớ nhung, quan tâm, chăm sóc.
- Sự gắn bó tình cảm chặt chẽ với một người thuộc giới khác, tình yêu đôi lứa chỉ dành cho một và chỉ một người khác giới.
- Tạo nguồn sức mạnh tác động đến toàn bộ cuộc sống hoạt động của con người, khi yêu người ta thường bắt đầu thay đổi.
- Chủ thể thường suy nghĩ người đó theo hướng lý tưởng hoá.
- Có tính chất bền vững
- Tôn trọng và chấp nhận người khác, sẵn sàng hi sinh cho người khác, làm cho người khác hạnh phúc.
- Thích gần nhau, nói chuyện với nhau, đi chung với nhau, ăn chung với nhau…
- Cùng nhau nhìn về tương lai, lập kế hoạch cho tương lai.
- Sự hấp dẫn rõ rệt về thể xác mà người ta thường coi sự đụng chạm thân thể là thực hiện sự hấp dẫn ấy.
- Mang tính vị kỷ và sỡ hữu
- Tình yêu mang sắc thái dân tộc và tiếng nói địa phương
- …
Tình yêu cũng được phân chia thành nhiều loại: Tình yêu chân chính, tình yêu đơn phương, tình yêu sét đánh…
Tình yêu đơn phương là tình yêu chỉ xuất phát từ một phía. Tình yêu này cũng tạo động lực cho chủ thể nhưng thường mang lại đau khổ vì muốn mà không thể có được. Chủ thể
Tình yêu sét đánh có đặc trưng là cường độ rất mãnh liệt, cả hai mới gặp nhau mà đã có cảm giác thân quen từ lâu lắm, sinh ra là của nhau. Tuy nhiên, tình yêu sét đánh thường xuất phát từ vẻ bên ngoài và không bền vững vì cả hai chưa hiểu biết nhiều về nhau. Ở giai đoạn đầu, do cường độ rất mạnh nên cả hai đều có thể có những hành động hay quyết định không sáng suốt nhưng càng về sau cả hai dần hiểu ra các thuộc tính bản chất của đối phương, cường độ có xu hướng giảm dần.
Một tình yêu được xem là trọn vẹn và chân chính khi được hình thành từ nhiều cảm xúc, rung động chân thực, là kết quả của quá trình tìm hiểu, có xuất phát điểm từ 2 phía, cả 2 người đều tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau và cùng hướng về tương lai.
- Vai trò của tình cảm
Tình cảm là nguồn động lực mạnh mẽ kích thích con người hành động, tìm tòi chân lý, chi phối toàn bộ các thuộc tính tâm lý khác của con người. Tình cảm đóng vai trò điều hoà đời sống của cá nhân, làm cho cuộc sống của cá nhân có ý nghĩa hơn. Tình cảm còn là chất liệu cơ bản cho quá trình sáng tạo nghệ thuật.
- Những quy luật của đời sống tình cảm
- Quy luật di chuyển
Tình cảm có thể di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác, từ nội dung này sang nội dung khác. Sự di chuyển tình cảm có thể diễn ra theo hướng từ người sang vật. Ví dụ: “Giận cá chém thớt” hay quá trình lưu giữ kỷ vật của người mình có tình cảm trong khoảng thời gian dài.
- Quy luật lây lan tình cảm
Tình cảm của người này có thể truyền từ người này sang nhiều người khác. Khác với quy luật di chuyển, lây lan có phạm vi ảnh hưởng lớn hơn. Ví dụ: “Vơ đũa cả nắm”; “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
- Quy luật tương phản
Tình cảm có sự tác động qua lại lẫn nhau. Sự mạnh lên hoặc yếu đi của một tình cảm này có thể làm tăng hay một tình cảm khác. Ví dụ: Khi yêu lúc nào cũng nhớ và quan tâm đến người yêu trong khi đó ít nhớ và quan tâm đến cha mẹ.
- Quy luật pha trộn
Tại một thời điểm nhất định, trong cùng một con người có thể tồn tại những cảm xúc, tình cảm đối lập nhau nhưng chúng không triệt tiêu nhau mà trái lại còn bổ sung cho nhau, quy định lẫn nhau. Ví dụ: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”, “Giận thì giận mà thương thì thương”; “vừa giận vừa yêu”.
- Quy luật thích ứng tình cảm
Cảm xúc, tình cảm của con người cũng có khả năng thích ứng. Sự thích ứng về tình cảm là quá trình mà một loại tình cảm được lặp đi lặp lại nhiều lần không thay đổi sẽ bị suy yếu. Ví dụ: “Xa thương gần thường”; “Vợ là cơm nguội của ta nhưng là đặc sản của cha láng giềng”.
- Quy luật về sự hình thành tình cảm
Tình cảm được hình thành từ các cảm xúc cùng loại, do các cảm xúc cùng loại được động hình hoá với nhau. Tình cảm được hình thành từ cảm xúc nhưng khi đã được hình thành thì tình cảm được biểu lộ qua cảm xúc, chi phối cảm xúc. Ví dụ: “Năng mưa thì giếng năng đầy, anh năng đi lại mẹ thầy năng thương”; “mưa dầm thấm đất”.
- Đam mê
- Khái niệm đam mê
Đam mê là một khuynh hướng chiếm ưu thế, có thể phá vỡ sự quân bình của đời sống tâm lý.
Trong cuộc sống, con người có nhiều đam mê như: đam mê quyền lực, đam mê tiền bạc, đam mê tình yêu, đam mê tửu sắc, đam mê cờ bạc…
- Các loại đam mê điển hình
- Tình yêu
Đam mê trong tình yêu xuất hiện khi chủ thể dành hết thời gian, tình yêu của mình cho người khác mà quên đi tất cả, vì đối tượng đó sẵn sàng làm mọi thứ và sẵn sàng lệ thuộc trong tình yêu.
- Đam mê khoa học nghệ thuật
Đam mê khoa học nghệ thuật hình thành khi chủ thể chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học nghệ thuật mà quên đi mọi thứ, thậm chí là hi sinh cả cuộc đời để theo đuổi công trình nghiên cứu hay tạo ra tác phẩm độc đáo của mình. Loại đam mê này thường có ở các nhà bác học, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ…
- Nghiện các chất độc hại
Nghiện các chất độc hại cũng được xếp vào đam mê nhưng đây là đam mê tiêu cực. Khi đam mê các chất độc hại, con người sẽ trở thành nô lệ cho các chất đó, sụp đỗ về tâm sinh lý, mất hết nhân tính, để thoả mãn đam mê họ sẵn sàng làm mọi thứ. Ví dụ: thuốc phiện, cocain, rượu, thuốc lá, thuốc lắc và các chất gây ảo giác khác.
- Những điều kiện nảy sinh đam mê
- Điều kiện tâm sinh lý
Một cá nhân có nhu cầu chính đáng, ý chí kiên định, được giáo dục bài bản, được rèn luyện thân thể khoẻ mạnh sẽ ít nảy sinh những đam mê tiêu cực thay vào đó là những đam mê hướng đến các giá trị tinh thần cao cả.
- Môi trường xung quanh
Môi trường cũng là yếu tố tạo điều kiện để đam mê hình thành và phát triển. Con người sinh sống ở những nơi khác nhau thì có những kiểu đam mê khác nhau.
Đam mê là một trong những biểu hiện của đời sống tình cảm. Vì thế, chúng ta cần phải hình thành những đam mê lành mạnh bằng cách rèn luyện tâm lý và thể chất trong những môi trường lành mạnh để phát triển đam mê tích cực.
No comments:
Post a Comment